Việc điều chỉnh quy hoạch xây dựng TP HCM đến năm 2030 cùng chính sách phát triển hạ tầng giúp khu Tây thu hút giới đầu tư địa ốc.
Vài năm gần đây, bất động sản tại các khu vực trung tâm TP HCM chứng kiến sự khan hiếm về nguồn cung. Ít dự án tung ra thị trường do vướng thủ tục về pháp lý và ảnh hưởng từ việc thắt chặt chính sách của thành phố. Trong bối cảnh đó, khu Tây- nơi mà quỹ đất vẫn còn nhiều, giá bất động sản vừa tầm lại hấp dẫn các nhà đầu tư cũng như người có nhu cầu ở thực.
Theo giới chuyên gia, khu Tây có lợi thế là nơi cửa ngõ giao thương giữa các tỉnh miền Tây Nam Bộ với TP HCM. Nhờ đó, số lượng dân nhập cư đến sinh sống, làm việc tại khu Tây cũng ngày một đông, từ đó kéo theo nhu cầu về nhà ở, mặt bằng kinh doanh tại đây cao hơn so với các khu vực khác.
Ngoài ra, với sự hoàn chỉnh về hạ tầng giao thông, các tuyến đường huyết mạch được nâng cấp như Đại lộ Võ Văn Kiệt, Quốc lộ 1A, cao tốc Bến Lức – Long Thành… giúp khu Tây dễ dàng kết nối tới các khu vực lân cận và trung tâm thành phố.
Thêm vào đó, những tiền đề như giá đất còn mềm, xu hướng chuyển dịch dân về vùng ven đã tạo nên cú hích cho thị trường nhà đất tại khu Tây phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây. Thực tế cũng đã cho thấy, nếu như những năm trước, bất động sản tại khu Tây chỉ có bóng dáng của những dự án khu công nghiệp thì nay, nơi đây dần thay da đổi thịt khi lần lượt xuất hiện đủ loại hình bất động sản như đất nền, căn hộ chung cư, nhà phố, nhà thương mại, biệt thự… đến từ những tập đoàn bất động sản lớn trong và ngoài nước.
Giới chuyên gia đánh giá, với chính sách giãn dân về vùng ven cùng sự phát triển đồng bộ của cơ sở hạ tầng, khu Tây với quỹ đất còn tương đối lớn, được xem là vùng đất tiềm năng, phù hợp cho sự phát triển những đô thị vệ tinh, phục vụ chiến lược giãn dân ra ngoại ô của TP HCM.